Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa hồi sinh bàn tay phải cho người bệnh bị tai nạn lao động, cuốn tay vào máy xay thịt.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa hồi sinh bàn tay phải cho người bệnh bị tai nạn lao động, cuốn tay vào máy xay thịt.
Ngay sau khi kết thúc lịch tiếp dân, trưa 10/9, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cùng các lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan đi thị sát tình hình lũ và công tác phòng chống lụt bão tại huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh. Tại xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, toàn bộ 101 hộ dân ở giáo xứ Đồng Nhân hai ngày nay đang bị cô lập do nước sông Cà Lô đã lên mức báo động 3.
Anh Nguyễn Văn Tùng, người dân giáo xứ Đồng Nhân thông tin: Nước lũ dâng nhanh từ 20 giờ đêm 9/9 và đến sáng 10/9 thì cả thôn đã bị cô lập, mọi di chuyển đều phải sử dụng thuyền. Tuy nhiên, là địa bàn thường xuyên bị ngập cùng với sự chuẩn bị và hỗ trợ của chính quyền, người dân đã chủ động chống lũ, trẻ em vẫn đến trường đi học, cuộc sống không bị xáo trộn nhiều.
Học sinh vùng lũ vẫn đi thuyền tới trường.
Ở khu vực đê hữu Cầu, khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh từ đêm 8/9 đến nay, nước sông Cầu dâng cao, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng đã kịp thời di chuyển gần 30 hộ dân đến nơi an toàn. Một số hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm buộc phải di dời sau sự cố sạt lở đê từ đầu tháng 3/2024 đến nay hiện vẫn đang sinh sống tại Nhà văn hóa của phường Vạn An.
Xuống kiểm tra nơi ăn chốn ở và điều kiện sinh sống của các hộ dân tại Nhà văn hóa phường Vạn An, chia sẻ với những mất mát to do thiên tai, bão lũ mà người dân khu vực đã nỗ lực vượt qua thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cam kết: Chính quyền sẽ nỗ lực hết sức để sớm xây dựng khu tái định cư, mang lại nơi ở an toàn hơn cho bà con, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thăm hỏi, động viên người dân khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh.
Trao tặng những phần quà thiết thực tặng các hộ dân bị ảnh hưởng của mưa lũ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh ghi nhận sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện Yên Phong, thành phố Bắc Ninh cũng như các địa phương khác trong tỉnh trong công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và tình hình úng ngập do mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phòng, chống bão và tinh thần hợp tác, phối hợp của người dân tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng, tỉnh Bắc Ninh vượt qua bão số 3 khi không có thiệt hại về con người, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Kiểm tra, nắm tình hình ngập úng tại huyện Yên Phong.
Dự báo tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, nước trên các sông đang dâng cao, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lũ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực mất an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Đặc biệt, đồng chí nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải có phương án hỗ trợ tối đa người dân khu vực bị ảnh hưởng của bão lũ, nhất là các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, hộ yếu thế để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tặng quà người dân phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh đang đi tránh lũ.
Đón nhận phần quà do các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao tặng, chị Nguyễn Thị Quyên, ở khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh chia sẻ: Mưa lũ khiến đời sống bị ảnh hưởng nhưng người dân chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng khi nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Chúng tôi mong muốn dự án tái định cư cho người dân trong khu vực sẽ sớm được hoàn thành để người dân yên tâm an cư.
Trong những ngày qua, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng tại Bắc Ninh đã gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Đáng chú ý, nước sông dâng cao đã gây ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông địa bàn các xã Tam Giang, Hòa Tiến, Dũng Liệt (huyện Yên Phong); phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh); xã Tân Chi (huyện Tiên Du), thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng và xã Hán Quảng (thị xã Quế Võ)…
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn động viên lực lượng xử lý chống tràn mặt đê bối Đẩu Hàn, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.
18 giờ ngày 10/9 mực nước sông Cầu, tại khu phố Đẩu Hàn, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh đã vượt mức báo động 3 và có nguy cơ tràn qua đê bối vào khu phố gây ngập lụt cục bộ. Khu phố Đẩu Hàn có 450 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, nằm phía ngoài đê sông Cầu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu chính quyền địa phương và các lực lượng hỗ trợ di chuyển toàn bộ người dân đến nơi an toàn trước 21 giờ đêm 10/9; hỗ trợ các gia đình di chuyển, bảo vệ tài sản không bị hư hại bởi nước lũ. Đồng thời tập trung huy động các lực lượng dùng bao tải cát đắp gia cố trên mặt tạo thành con lươn dọc theo mép đê, nâng cao khả năng chống lũ tràn về.
Ngay sau khi nhận tin báo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Ninh cắt cử lực lượng; phối hợp với gần 100 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 164 (Quân đoàn 12), 50 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) tham gia công tác gia cố tuyến đê cùng hàng trăm người dân địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Trung tá Nguyễn Quang Hà, Đại đội trưởng Cảnh sát cơ động chia sẻ: “Phát huy truyền thống “Việc gì khó có Công an”, phát huy tinh thần dũng cảm, trách nhiệm với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Anh em chiến sĩ đều xác định chỉ khi nào hoàn thành công việc, bảo đảm an toàn cho tuyến đê mới rút quân theo lệnh của chỉ huy đơn vị”.
Xuyên đêm chống lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân.
Nhanh tay xúc cát vào bao tải, xếp bao cát ngăn nước, anh Phạm Thanh Bình ở khu phố Đẩu Hàn chia sẻ, “Mặc dù công việc tại nhà máy từ 8 giờ sáng đến khi tan ca đã rất mỏi nhưng với tinh thần ứng cứu, giữ đê đến cùng thì dù có mệt đến đâu tôi vẫn sẵn sàng dốc sức cùng với chính quyền và nhân dân địa phương bảo đảm an toàn cho tuyến đê”.
Xuyên đêm chống lũ, đến 1 giờ sáng nay 11/9, người dân khu phố Đẩu Hàn cùng các lực lượng chức năng đã hoàn thành công tác gia cố đắp cát chống trượt mặt đê bối khu phố Đẩu Hàn, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho người dân trong khu vực.
Kiểm tra khu vực xử lý chống tràn mặt đê bối Đẩu Hàn, bảo vệ cho khu vực Hòa Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn biểu dương các lực lượng không quản thời tiết, tích cực tham gia đắp cát chống tràn mặt đê. Đồng thời, yêu cầu chính quyền thành phố Bắc Ninh, phường Hòa Long tiếp tục hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản; cung cấp thuốc men và nhu yếu phẩm đầy đủ cho nhân dân trong thời gian tránh lũ. Các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, canh gác, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
Hơn 400m đê bối đã được cán bộ chiến sĩ, công an cùng người dân địa phương kịp thời gia cố trong đêm.
Bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, an toàn đê điều, an toàn về tài sản, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra là những thông điệp được lãnh đạo và chính quyền tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh nhiều nhất trong suốt thời gian ứng phó với bão số 3 cũng như hoàn lưu sau bão. Trước đó, Bắc Ninh đã sơ tán 212 người thuộc huyện Thuận Thành, 5 hộ dân thuộc huyện Gia Bình và 40 hộ dân ở khu tập thể cũ tại phường Đáp Cầu ra khỏi khu vực nguy hiểm khi bão về. Tại xã Long Châu, huyện Yên Phong, đêm 8/9, hàng trăm người dân cũng thức xuyên đêm gia cố, khắc phục sự cố sạt trượt mái đê.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, để ứng phó với mưa lũ, thiên tai có rất nhiều công việc, giải pháp cần phải triển khai. Tuy nhiên, một trong những ưu tiên hàng đầu được Tỉnh ủy, chính quyền địa phương của Bắc Ninh chú trọng đó là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân là nhiệm vụ trước hết và trên hết.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Xuân Lợi (thứ 3 từ phải vào) kiểm tra công tác bảo vệ đê đoạn qua huyện Tiên Du.
Ai đó đã ví, siêu bão số 3 là bài học của tình đoàn kết, là phép thử của tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chung sức đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị trong ứng phó thiên tai. Tại Bắc Ninh, bài học đó đã được lan tỏa và chứng minh khi tính mạng người dân được bảo đảm an toàn tuyệt đối trước bão lũ, là sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, sự đùm bọc yêu thương của người dân trong thiên tai, không để ai bị đói, rét, không nơi ở.
Hoàn lưu sau bão đang tiếp tục có diễn biến phức tạp, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đã và đang chủ động ứng phó, nỗ lực với quyết tâm cao nhất để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, đẩy mạnh sản xuất, góp phần kiến tạo một Bắc Ninh thịnh vượng.